Phiên bản “SỔ TAY SINH VIÊN UTH phiên bản web được xây dựng sau 03 phiên bản ebook được phòng Công tác sinh viên thiết kế, xây dựng từ tháng 02/2023 sau khi Nhà trường có những thay đổi về quy chế đào tạo cũng như thay đổi một số nhân sự phòng ban chức năng phục vụ người học.

Nội dung hướng dẫn trong sổ tay dưới đây mang tính chất tham khảo và dùng chủ yếu cho người học đang theo học chương trình đại trà tại Nhà trường.

Các góp ý xây dựng, người học hoặc các cá nhân vui lòng gửi về địa chỉ email Hộp thư Tiếp nhận Ý kiến người học: sinhviendonghanh@ut.edu.vn


Sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu chất lượng của Nhà trường được công bố tại Nghị quyết số 14/NQ-HĐTĐHGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Hội đồng trường Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý trình độ đại học và sau đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về giao thông vận tải và các lĩnh vực liên quan phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đến năm 2030, Trường phấn đấu trở thành trường đại học lớn, đa ngành của Việt Nam, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học hàng đầu về giao thông vận tải và các lĩnh vực liên quan, có uy tín, hoà nhập với các trường đại học trong khu vực và vững vàng tiếp cận trình độ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Trường phấn đấu trở thành trường đại học đào tạo nhân lực trình độ cao theo hướng ứng dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải của khu vực phía Nam và cả nước. Hoàn thiện cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ Giao thông vận tải và quốc gia, trong đó, có một số ngành ngang tầm khu vực và quốc tế. Tăng số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ có hàm lượng khoa học cao, đảm bảo tính ứng dụng và triển khai thực tế.

Triết lý giáo dục – Giá trị cốt lõi

Ý nghĩa của Triết lý giáo dục

Triết lý giáo dục của một trường đại học là tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt làm định hướng phát triển cho nhà trường. Với triết lý giáo dục “Kiến thức – Kỹ năng – Sáng tạo – Hội nhập”, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo ra những con người vững kiến thức, thành thục kỹ năng, phát triển được tiềm năng sáng tạo và kỹ năng hội nhập quốc tế sâu rộng vào nền kinh tế tri thức toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng hiện nay.

* Nội dung

Kiến thức: Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cung cấp đầy đủ các kiến thức nền tảng vững chắc, kiến thức chuyên sâu về nghề nghiệp, đồng thời truyền cảm hứng và trợ giúp cho sinh viên để đạt hiệu quả mong muốn. Sinh viên tìm thấy niềm vui trong học tập, tạo cảm hứng và yêu mến học tập, học suốt đời.

Kỹ năng: Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM luôn đề cao tính ứng dụng vào thực tiễn; Sinh viên sẽ được thực tập, rèn luyện kinh nghiệm trong môi trường làm việc thực tế và tích lũy đủ kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn phù hợp với nghề nghiệp để triển khai các công việc thực tế sau khi ra trường;

Sáng tạoTrường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM hướng tới phát huy tối đa khả năng của người học thông qua các hoạt động nghiên cứu và triển khai áp dụng các nghiên cứu vào thực tế đời sống. Sinh viên có khả năng nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ.

Hội nhập: Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM luôn chú trọng sự kết nối giữa nhà trường, cộng đồng và doanh nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động hợp tác, liên kết quốc tế, ngoại khóa, hội thảo quốc tế, để trau dồi kỹ năng sống và kỹ năng hội nhập cho sinh viên.  

Ý nghĩa của các giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi của một trường đại học là kim chỉ nam cho mọi  hoạt động giảng dạy, học tập và rộng hơn là mọi hoạt động liên quan của nhà trường nhằm phát triển con người.
* Nội dung
Đoàn kết: Trong quá trình xây dựng và phát triển Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, tập thể giảng viên, CNVC và sinh viên luôn xem trọng đoàn kết, đồng lòng; Đoàn kết chính là sức mạnh giúp Nhà trường vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt được các mục tiêu phát triển;
Nhân văn: Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM không chỉ cung cấp cho sinh viên một nền tảng giáo dục mang đậm tính nhân văn như: phẩm giá, tình cảm, trí tuệ, vẻ đẹp, sức mạnh, mà còn khuyến khích sinh viên sống chân thật, vị tha, khoan dung, yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên, mong muốn cải tạo và giải thích thiên nhiên;
Chất lượng: Trường Đại học Giao Thông Vận tải TP.HCM luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu trong mọi hoạt động phát triển của Nhà trường; Phấn đấu trở thành trường Đại học đa ngành có trình độ cao; Lấy người học làm trung tâm; Định hướng phát triển đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên;
Sáng tạo: Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM luôn khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới; Tôn trọng sự khác biệt và đa dạng trong giảng dạy, nghiên cứu, quản trị nhà trường và định hướng phát triển Nhà trường;
Hội nhập: Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM luôn tăng cường hội nhập quốc tế, tích cực phát triển hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các hoạt động hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, gồm: đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và dịch vụ tư vấn GTVT ở Việt Nam và khu vực; Tăng cường uy tín của Nhà trường.

Sinh viên thường xuyên liên hệ

I. Các công việc thường liên hệ: 

– Giấy xác nhận sinh viên đang học tại Trường dùng để: vay vốn ngân hàng chính sách tại địa phương, làm thẻ xe buýt, v.v…

– Đăng ký giấy tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.

– Nộp hồ sơ xét chế độ miễn, giảm học phí; trợ cấp xã hội; hỗ trợ chi phí học tập (các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước).

– Khen thưởng, kỷ luật sinh viên.

– Đăng ký mới, làm lại Thẻ sinh viên.

– Cấp lại mật khẩu trang thông tin sinh viên (hỗ trợ trực tuyến tại đây).

– Học bổng khuyến khích học tập.

– Tiếp nhận ý kiến khiếu nại của sinh viên (gửi ý kiến trực tuyến tại đây).

II. Văn phòng làm việc:

Phòng Q.003 – Lầu trệt khu Q, cơ sở thành phố Thủ Đức.

Phòng K.001 – Lầu trệt khu K, cơ sở quận 12.

Phòng A.009 – Lầu trệt khu A, cơ sở quận Bình Thạnh.

III. Điện thoại văn phòng: 028 3512 5081 – 028 3512 1989

IV. Website phòng Công tác sinh viên: https://gts.edu.vn

V. Email phòng Công tác sinh viên: ctsv@ut.edu.vn 

VI. Hỗ trợ trực tuyến: https://support.ut.edu.vn   (gửi yêu cầu về phòng Công tác sinh viên).

Phòng Đào tạo thành lập Bộ phận tư vấn hỗ trợ sinh viên theo Khoa/Viện chuyên môn với các hoạt động sau:

Bộ phận tư vấn hỗ trợ sinh viên theo Khoa/Viện chuyên môn hỗ trợ:

Tư vấn hỗ trợ trong quá trình đăng ký học phần để sinh viên có thể đăng ký đúng theo kế hoạch giảng dạy trong các CTĐT đang theo học.

Tư vấn hỗ trợ khi sinh viên đăng ký học lại, học trả nợ … nhất là với các trường hợp quá hạn tốt nghiệp, bị cảnh báo học vụ.

Tư vấn hỗ trợ và tiếp nhận Đơn xin cứu xét của sinh viên;

Tư vấn hỗ trợ và tiếp nhận Đơn của sinh viên trong các trường hợp xin thôi học, nghỉ học có thời hạn, nhập học lại sau nghỉ học có thời hạn, chuyển ngành, chuyển hình thức đào tạo, chuyển trường ….

Tiếp nhận đăng ký xét tốt nghiệp của sinh viên.

Thông tin liên hệ hỗ trợ:

CƠ SỞ QUẬN BÌNH THẠNH (phòng A.003, lầu trệt khu A): làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 trong giờ hành chính. 

Hỗ trợ người học đã tốt nghiệp: In cấp bảng điểm; Trả bằng tốt nghiệp; Xác nhận văn bằng, chứng chỉ;

Điện thoại: 0283 899 2862         Email: pdt@ut.edu.vn

CƠ SỞ THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC (phòng Q.003, lầu trệt khu Q): làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 trong giờ hành chính.

Hỗ trợ sinh viên đang học tập tại Thành phố Thủ Đức, Cô Lê Thị Bảy, Email: bay.le@ut.edu.vn

CƠ SỞ QUẬN 12 (phòng K.006, lầu trệt khu K): làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 trong giờ hành chính. 

Hỗ trợ sinh viên đang học tập tại cơ sở Quận 12, Cô Nguyễn Thái Ngân, Email: ngan.nguyen@ut.edu.vn

I. Công việc liên hệ:

– Đóng các khoản học phí, lệ phí theo thông báo của Nhà trường.

– Giải quyết các vướng mắc về học phí.

– Chi trả các khoản học bổng, hoàn trả tiền miễn học phí, chi tiền trợ cấp xã hội, chi tiền hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng theo quy định và danh sách theo quyết định từ Nhà trường.

II. Liên hệ:

– Phòng A.005 – A.007, lầu trệt khu A, cơ sở quận Bình Thạnh.

– Điện thoại: 028 38 983 560 – 028 3512 0286

I. CÔNG VIỆC LIÊN HỆ:

– Thực hiện việc sơ cấp cứu, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc thông thường cho sinh viên trong thời gian học tập, sinh hoạt tại Trường.

– Theo dõi và tư vấn sức khỏe cho sinh viên.

– Tổ chức khám sức khỏe cho sinh viên.

– Tổ chức thực hiện công tác mua Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn cho sinh viên.

– Tư vấn, hỗ trợ cho sinh viên tất cả các vấn đề liên quan đến Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn.

II. LIÊN HỆ:

Cơ sở quận Bình Thạnh (phòng B.8, lầu trệt, khu B) 

Người phụ trách: Nguyễn Thị Hường – Điện thoại: 0283 512 0310 – 0987 764 898 – Email liên hệ: huongnt@ut.edu.vn

Cơ sở thành phố Thủ Đức (phòng P.007, lầu trệt, khu P) 

Người phụ trách: Đặng Minh Hoàng – Điện thoại: 0903 135 013 – Email liên hệ: hoang.dang@ut.edu.vn

Cơ sở quận 12 (phòng K.004, lầu trệt, khu K) 

Người phụ trách: Nguyễn Thị Huyền Trang – Điện thoại: 0326 814 016 – Email liên hệ: trangnth@ut.edu.vn

I. Công việc liên hệ:

– Cấp và hỗ trợ các vấn đề liên quan tài khoản hộp thư nội bộ lớp sinh viên.

– Cấp và hỗ trợ các vấn đề liên quan đến tài khoản email, tài khoản Microsoft có định dạng “Mã số sinh viên @ut.edu.vn”.

– Hỗ trợ các vấn đề về quét trùng lặp luận văn tốt nghiệp.

– Hỗ trợ công tác mượn trả sách tại Thư viện. 

II. Địa điểm liên hệ:

Phòng C.105, lầu 1, khu C, cơ sở quận Bình Thạnh.

Phòng H.005, lầu trệt, khu H, cơ sở quận 12.

Email: lic@ut.edu.vn

Website: https://lic.ut.edu.vn

Fanpape: https://www.facebook.com/profile.php?id=100083210267187

III. Cách thức liên hệ:

Sinh viên liên hệ bằng 02 cách:

Cách 1: liên hệ trực tiếp tại văn phòng làm việc, khi đi cần mang theo thẻ Sinh viên.

Cách 2: sử dụng “Hệ thống hỗ trợ trực tuyến” (https://support.ut.edu.vn)

Sinh viên đăng nhập bằng tài khoản như Cổng thông tin sinh viên -> chọn tiêu đề hỗ trợ “TT Thông tin – Thư viện / Tài khoản Email và Microsoft

Khuyến nghị sinh viên sử dụng cách 2 để xử lý online.

1. Công tác liên hệ:

– Đăng ký đồng phục, tài liệu, giáo trình, giấy thi.

– Đăng ký ở Ký túc xá.

– Học bổng ngoài ngân sách.

– Kết nối doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên thực tập, việc làm.

II. Liên hệ:

Cơ sở quận Bình Thạnh (phòng B.9, lầu trệt, khu B)

Điện thoại: 0283 512 1597

Email: cuong.phan@ut.edu.vn

Cơ sở Thành phố Thủ Đức

Phòng P.002: liên hệ đăng ký ở ký túc xá và các vấn đề liên quan đến sinh viên nội trú.

Phòng P.008: liên hệ các vấn đề khác như đồng phục, giáo trình, tài liệu, ….

Điện thoại: 0965 650 090

Email: tnthao@ut.edu.vn

Cơ sở Quận 12

Phòng H.015, lầu trệt, khu H.

Từ ngày 14/9/2020, ngoài thời gian làm việc hành chính, Thư viện Nhà trường mở cửa phục vụ ngoài khung giờ như sau:

Tại Cơ sở quận Bình Thạnh: 

Buổi trưa từ 12h00 đến 13h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Buổi chiều tối từ 16h30 đến 20h30 các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Thứ 7 từ 07h30 đến 17h30 hàng tuần.

Tại cơ sở quận 2:  chỉ phục vụ bạn đọc ngày thứ 7 từ 07h30 đến 16h30 vào các đợt cao điểm như đầu kỳ và ôn thi.

Tại cơ sở quận 12:  từ 12h00 đến 13h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 và cả ngày thứ 7 hàng tuần.

                              Tổng thể khu Thư viện Nhà trường đều được đặt tại 03 cơ sở:

  1. Cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) tại lầu 1 – khu C bao gồm:

Phòng đọc : 261 chỗ ngồi.

Phòng máy: 40 máy tính nối mạng Internet.

Phòng mượn sách giáo trình, sách tham khảo về nhà.

Phòng phát hành (tại khu vực cổng số 1): In ấn, photocopy tài liệu giáo trình của Trường và phát hành tài liệu từng cơ sở; Giới thiệu và bán đầy đủ các loại giáo trình, sách chuyên ngành Giao thông vận tải, Hàng hải, Kinh tế, …

Điện thoại: 028 3803 5654 – 028 3512 6115.

  1. Cơ sở 2 (quận 2) tại Khu nội trú quận 2 bao gồm:

Phòng đọc: 60 chỗ ngồi.

Phòng đọc máy: 05 máy tính nối mạng Internet.

Phòng mượn sách giáo trình, sách tham khảo về nhà.

Phòng bán sách giáo trình và sách chuyên ngành cho sinh viên.

Điện thoại: 028 3740 6510.

  1. Cơ sở 3 (quận 12) bao gồm: 

Phòng đọc: 294 chỗ ngồi.

Phòng máy: 27 máy tính có nối mạng Internet.

Phòng mượn sách giáo trình, sách tham khảo về nhà.

Phòng bán sách giáo trình và sách chuyên ngành cho sinh viên.

Điện thoại: 028 6257 5739.

  1. Dịch vụ thông tin phục vụ nhu cầu học tập của sinh viên:

Bạn đọc có thể tra cứu trực tuyến tại địa chỉ website http://opacthuvien.ut.edu.vn/

Tra cứu Thư viện số (liên kết với Tài liệu. VN và 107 trường đại học, cao đẳng … tại địa chỉ website http://thuvienso.ut.edu.vn

Tra cứu Mạng liên kết nguồn lực Thông tin khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh … tại địa chỉ website http://stinet.gov.vn/

Quy chế đào tạo

Quy chế đào tạo sinh viên xem chi tiết tại đây.

Một số những điểm lưu ý đặc biệt quan trọng vui lòng xem các thông tin dưới đây:

Phúc khảo bài thi kết thúc học phần chỉ áp dụng đối với hình thức thi trắc nghiệm, tự luận trên giấy, bài luận, bài tập lớn, báo cáo

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày công bố kết quả điểm học phần, sinh viên có thể nộp đơn phúc khảo theo mẫu về phòng Thanh tra và Quản lý chất lượng

Địa chỉ liên hệ: 

Phòng A.207, lầu 2, khu A, cơ sở quận Bình Thạnh

Phòng C.003, tầng trệt, khu C, cơ sở quận Bình Thạnh

Điện thoại: (028) 3512 3405

Email: qlcl@ut.edu.vn

Sau khi bắt đầu mỗi học kỳ chính trong năm học Phòng Đào tạo căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 26 và các quy định tại Điều 27 trong Quy định này để thực hiện việc xét học vụ của học kỳ chính kế cận trước đó nhằm cảnh báo học tập tới sinh viên có kết quả học tập yếu kém giúp cho sinh viên biết và lập phương án học tập thích hợp và buộc thôi học với sinh viên không đủ năng lực và điều kiện tiếp tục tham gia học tập.

Sinh viên được cảnh báo học tập khi có một trong các điều kiện sau:

a) Tổng số tín chỉ cần phải tích lũy không đạt trong học kỳ vượt quá 50% khối lượng tín chỉ cần phải tích lũy đã đăng kí học, hoặc tổng số tín chỉ cần phải tích lũy nợ đọng từ đầu khóa học vượt quá 24;

b) Điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0.80 đối với học kỳ đầu tiên của khóa học, dưới 1.00 đối với các học kỳ tiếp theo;

c) Điểm trung bình chung tích luỹ đạt dưới 1.20 đối với sinh viên năm nhất, dưới 1.40 đối với sinh viên năm hai, dưới 1.60 đối với sinh viên năm ba hoặc dưới 1.80 đối với sinh viên năm cuối;

d) Sinh viên chưa chưa tích lũy đủ khối lượng tín chỉ cần phải tích lũy của chương trình đào tạo được quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy định này và đang trong thời gian tối đa để hoàn thành việc tích lũy khối lượng tín chỉ cần phải tích lũy của chương trình đào tạo được quy định tại khoản 5 Điều 2 của Quy định này, nhưng không đăng ký học tập trong học kỳ chính mà không có lý do chính đáng.

Sinh viên bị buộc thôi học nếu thuộc 1 trong những trường hợp sau đây:

a) Có số lần cảnh báo học tập 02 lần liên tiếp hoặc 03 lần không liên tiếp;

b) Vượt quá thời gian tối đa để hoàn thành việc tích lũy khối lượng tín chỉ cần phải tích lũy của chương trình đào tạo được quy định tại khoản 5 Điều 2 của Quy định này mà chưa tích lũy đủ khối lượng tín chỉ cần phải tích lũy của chương trình đào tạo được quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy định này;

c) Đã quá thời gian được nghỉ học tạm thời nhưng không làm thủ tục nhập học.

1. Điểm đánh giá bộ phận và điểm thi kết thúc học phần được chấm theo thang điểm 10 (hệ 10), làm tròn đến một chữ số thập phân.

2. Điểm học phần là tổng điểm tất cả các điểm đánh giá bộ phận của học phần nhân với trọng số tương ứng. Điểm học phần làm tròn đến một chữ số thập phân, sau đó được chuyển thành điểm chữ và phân loại như sau:

a) Loại đạt (được tính vào điểm trung bình chung tích lũy):

A (8,5 – 10): Giỏi     

B+ (8,0 – 8,4), B (7,0 – 7,9): Khá;

C+ (6,0 – 6,9), C (5,5 – 5,9): Trung bình;

D+ (5,0 – 5,4), D (4,0 – 4,9): Trung bình yếu.

b) Loại không đạt: F+ (2,1 – 3,9), F (0 – 2,0): Kém.

3. Một số trường hợp đặc biệt sử dụng các điểm chữ xếp loại, không được tính vào điểm trung bình chung tích lũy gồm:

a) Việc xếp loại theo mức điểm I được áp dụng cho các trường hợp sau đây:

– Trong thời gian học hoặc trong thời gian thi kết thúc học phần, sinh viên bị ốm hoặc tai nạn không thể dự thi, phải được lãnh đạo Khoa/ Viện/ Bộ môn xác nhận;

– Sinh viên không thể dự kiểm tra bộ phận hoặc thi kết thúc học phần vì những lý do khách quan, phải được lãnh đạo Khoa/ Viện/ Bộ môn chấp thuận.

b) Việc xếp loại theo mức điểm X được áp dụng đối với những học phần mà Phòng Đào tạo chưa nhận được báo cáo kết quả học tập của sinh viên từ Khoa/ Viện/ Bộ môn.

c) Đối với học phần được miễn học và công nhận tín chỉ thì khi xếp mức đánh giá được sử dụng kí hiệu R viết kèm với kết quả và không được sử dụng để tính kết quả học tập của sinh viên trong thời gian theo học tại Trường.

4. Việc xếp loại các mức điểm A, B+, B, C+, C, D+, D, F+, F được áp dụng cho các trường hợp sau đây:

a) Đối với những học phần mà sinh viên đã có đủ điểm đánh giá bộ phận, kể cả trường hợp bỏ học, vắng kiểm tra hoặc vắng thi không có lý do phải nhận điểm 0;

b) Chuyển đổi từ mức điểm I qua sau khi sinh viên đã trả xong các nội dung kiểm tra bộ phận còn nợ để có điểm học phần;

c) Chuyển đổi từ các trường hợp điểm X qua.

5. Việc xếp loại ở mức điểm F ngoài những trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, còn áp dụng cho trường hợp sinh viên vi phạm nội quy thi, có quyết định phải nhận mức điểm F.

6. Trừ các trường hợp đặc biệt do Hiệu trưởng quy định, trong vòng 01 năm học kể từ khi nhận mức điểm I, sinh viên phải trả xong các điểm bộ phận còn nợ để để có điểm học phần và được chuyển điểm; nếu không thì điểm I tự động được chuyển thành điểm F.

Hạng tốt nghiệp là kết quả xếp loại học tập theo khóa học của sinh viên được quy định tại khoản 3 Điều 27 của Quy chế đào tạo

Hạng tốt nghiệp của sinh viên có xếp loại học tập khóa học loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một mức nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Khối lượng tín chỉ của các học phần cần phải tích lũy phải học lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ cần phải tích lũy của chương trình đào tạo được quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy định này;

b) Sinh viên đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học.

Quy định về ngoại ngữ

Được ban hành theo Quyết định số 333/QĐ-ĐHGTVT ngày 07/02/2023 về chuẩn đầu ra tiếng Anh, chương trình, tổ chức học thi kết thúc học phần của môn học Tiếng Anh tổng quát, công nhận đạt chuẩn đầu ra Tiếng Anh. 

Xem chi tiết tại đây.

Quy định về việc học Tiếng Anh Hàng hải dành cho các ngành đi biển được quy định tại Quyết định số 337/QĐ-ĐHGTVT ngày 02/02/2023

Xem chi tiết tại đây.

Xét và công nhận khối lượng được miễn trừ khi học chương trình đào tạo thứ 2 Ngôn ngữ Anh

Xem chi tiết tại đây.

Giáo dục thể chất

Quyết định ban hành chương trình, tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập và công nhận hoàn thành môn học Giáo dục thể chất tại trường đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh số 526/QĐ-ĐHGTVT ngày 26/07/2022,

Xem chi tiết tại đây.

Quy chế công tác sinh viên

Quy chế công tác sinh viên xem chi tiết tại đây.

Những điểm quan trọng của quy định sinh viên xem dưới đây:

1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên, sinh viên và những người khác;

2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học hộ, thi hộ, thực tập hộ, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học hộ, thi hộ, thực tập hộ, trực hộ; sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, khoá luận tốt nghiệp; tổ chức hoặc tham gia tổ chức học hộ, thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác;

3. Hút thuốc, uống rượu, bia trong trường học; say rượu, say bia khi đến lớp học; điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia;

4. Tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh, trật tự trong Nhà trường hoặc nơi công cộng;

5. Tổ chức hoặc tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép;

6. Tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức;

7. Sản xuất, buôn bán, vận chuyển, phát tán, tàng trữ, sử dụng hoặc lôi kéo người khác sử dụng vũ khí, chất nổ, các chất ma tuý, các loại hóa chất cấm sử dụng, các tài liệu, ấn phẩm, thông tin phản động, đồi trụy và các tài liệu cấm khác theo quy định của Nhà nước; Tổ chức, tham gia, truyền bá các hoạt động mê tín dị đoan, các hoạt động tôn giáo trong Nhà trường và các hành vi vi phạm đạo đức khác;

8. Thành lập, tổ chức, tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật; tổ chức, tham gia các hoạt động tập thể mang danh nghĩa Nhà trường khi chưa được Nhà trường cho phép;

9. Đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của Nhà trường, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet;

10 Làm hỏng, mất, phá hủy hay sử dụng quá thời hạn quy định các tài liệu, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao và các tài sản công khác của Nhà trường;

11 Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

Các hình thức kỷ luật và nội dung vi phạm

1. Những sinh viên có hành vi vi phạm thì tuỳ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:

a) Khiển trách: Áp dụng đối với sinh viên có hành vi vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ;

b) Cảnh cáo: Áp dụng đối với sinh viên đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi vi phạm có tính chất thường xuyên hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng mức độ tương đối nghiêm trọng;

c) Đình chỉ học tập 1 năm học: Áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Tùy từng trường hợp cụ thể, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Nhà trường căn cứ vào quy chế đào tạo để quyết định thời hạn đình chỉ học tập theo các mức: đình chỉ một học kỳ, đình chỉ 1 năm học hoặc đình chỉ theo thời gian sinh viên bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo;

d) Buộc thôi học: Áp dụng đối với sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến Nhà trường và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù (kể cả trường hợp bị xử phạt tù được hưởng án treo).

2. Hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên của sinh viên phải được lưu vào hồ sơ quản lý sinh viên và thông báo cho gia đình sinh viên. Trường hợp sinh viên bị kỷ luật mức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học, Nhà trường sẽ gửi thông báo cho địa phương nơi sinh viên có hộ khẩu thường trú và gia đình sinh viên biết để quản lý, giáo dục.

3. Nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật theo danh mục dưới đây:

Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện

Quy chế công tác sinh viên xem chi tiết tại đây.

Những điểm quan trọng của quy định sinh viên xem dưới đây:

Xem xét, đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên là đánh giá ý thức, thái độ của từng sinh viên theo các mức điểm đạt được trên 05 tiêu chí:

Tiêu chí 1 (từ 0 đến 20 điểm): Ý thức tham gia học tập;

Tiêu chí 2 (từ 0 đến 25 điểm): Ý thức chấp hành nội quy, quy chế, quy định trong nhà trường;

Tiêu chí 3 (từ 0 đến 20 điểm): Ý thức tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, văn hoá, văn nghệ, thể thao, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội;

Tiêu chí 4 (từ 0 đến 25 điểm): Ý thức công dân trong quan hệ cộng đồng;

Tiêu chí 5 (từ 0 đến 10 điểm): Ý thức và kết quả tham gia công tác cán bộ lớp, các đoàn thể, tổ chức khác trong Trường hoặc sinh viên đạt được thành tích đặc biệt trong học tập, rèn luyện.

Điểm rèn luyện được đánh giá bằng thang điểm 100.

Phân loại kết quả và quy định đánh giá rèn luyện

1. Kết quả rèn luyện được phân thành 06 loại: xuất sắc, tốt, khá, trung bình, yếu và kém. Cụ thể:

a) Từ 90 đến 100 điểm: loại xuất sắc;

b) Từ 80 đến dưới 90 điểm: loại tốt;

c) Từ 65 đến dưới 80 điểm: loại khá;

d) Từ 50 đến dưới 65 điểm: loại trung bình;

e) Từ 35 đến dưới 50 điểm: loại yếu;

g) Dưới 35 điểm: loại kém.

2. Quy định khi đánh giá và cho điểm (Tham khảo hướng dẫn cách thức đánh giá rèn luyện tại đây):

– Nếu tổng điểm ở các mặt đánh giá vượt quá khung điểm quy định thì chỉ tính đến điểm tối đa của mặt đánh giá đó.

– Việc đánh giá phải trung thực, đầy đủ; hoạt động rèn luyện ở học kỳ nào chỉ được đánh giá cho học kỳ đó.

– Hoạt động cấp trường là các hoạt động: do nhà trường, Đoàn trường, Hội Sinh viên trường tổ chức; do khoa, Đoàn khoa, Liên chi hội sinh viên khoa, câu lạc bộ – đội – nhóm trực thuộc Hội Sinh viên trường tổ chức có quy mô cấp trường.

– Sinh viên không thực hiện đánh giá kết quả rèn luyện sẽ nhận điểm rèn luyện 0.

– Trong thời gian sinh viên bị kỷ luật mức khiển trách, khi đánh giá kết quả rèn luyện không được vượt quá loại khá.

– Trong thời gian sinh viên bị kỷ luật mức cảnh cáo, khi đánh giá kết quả rèn luyện không được vượt quá loại trung bình.

– Sinh viên bị kỷ luật mức đình chỉ học tập không được đánh giá rèn luyện trong thời gian bị đình chỉ.

– Sinh viên bị kỷ luật mức buộc thôi học không được đánh giá kết quả rèn luyện.

– Sinh viên hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp chậm so với quy định của khoá học thì tiếp tục được đánh giá kết quả rèn luyện trong thời gian đang hoàn thành bổ sung chương trình học và tốt nghiệp.

– Sinh viên khuyết tật, tàn tật, mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc cha hoặc mẹ, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm đối với những hoạt động rèn luyện không có khả năng tham gia hoặc đáp ứng yêu cầu chung thì được ưu tiên, động viên, khuyến khích, cộng điểm khi đánh giá kết quả rèn luyện qua sự nỗ lực và tiến bộ của sinh viên tuỳ thuộc vào đối tượng và hoàn cảnh cụ thể.

– Sinh viên nghỉ học tạm thời được bảo lưu kết quả rèn luyện, sẽ được đánh giá kết quả rèn luyện khi tiếp tục trở lại học tập theo quy định.

– Sinh viên đồng thời học hai chương trình đào tạo sẽ được đánh giá kết quả rèn luyện tại đơn vị quản lý chương trình thứ nhất và lấy ý kiến nhận xét của đơn vị quản lý chương trình thứ hai làm căn cứ, cơ sở để đánh giá thêm. Trường hợp chương trình thứ nhất đã hoàn thành thì đơn vị quản lý chương trình thứ hai sẽ tiếp tục được đánh giá kết quả rèn luyện.

– Sinh viên chuyển trường được sự đồng ý của Hiệu trưởng hai trường thì được bảo lưu kết quả rèn luyện của trường cũ khi học tại trường mới và tiếp tục được đánh giá kết quả rèn luyện ở các học kỳ tiếp theo.

1. Kết quả đánh giá rèn luyện từng học kỳ, năm học của từng sinh viên được lưu trong hồ sơ quản lý sinh viên của Trường, được sử dụng trong việc xét duyệt học bổng, xét khen thưởng – kỷ luật, xét thôi học, ngừng học, xét lưu trú ký túc xá, xét giải quyết việc làm thêm, miễn giảm chi phí, dịch vụ và sinh hoạt trong ký túc xá và các ưu tiên khác tuỳ theo quy định Nhà trường.

2. Kết quả đánh giá rèn luyện toàn khoá học của từng sinh viên được lưu trong hồ sơ quản lý sinh viên của Trường, làm căn cứ để xét thi tốt nghiệp, làm luận văn hoặc khoá luận tốt nghiệp.

3. Kết quả đánh giá rèn luyện toàn khoá học được ghi chung vào bảng điểm kết quả học tập và lưu trong hồ sơ từng học kỳ và toàn khóa của từng sinh viên khi tốt nghiệp ra trường.

4. Sinh viên có kết quả rèn luyện xuất sắc cả năm và toàn khoá được Nhà trường xem xét biểu dương, khen thưởng.

5. Sinh viên bị xếp loại rèn luyện yếu, kém trong hai học kỳ liên tiếp thì phải tạm ngừng học ít nhất một học kỳ ở học kỳ tiếp theo và nếu bị xếp loại rèn luyện yếu, kém hai học kỳ liên tiếp lần thứ hai thì sẽ bị buộc thôi học.

Câu hỏi thường gặp

Hiện nay Nhà trường có 03 cơ sở học cho sinh viên hệ đại học chính quy. Cụ thể:

Cơ sở quận Bình Thạnh (cơ sở chính) tại số 2, đường Võ Oanh, phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Các phòng tại cơ sở chính có ký hiệu A, B, C, D, E, F

Cơ sở thành phố Thủ Đức (Khu nội trú) tại số 10/12, đường Trần Não, khu phố 3, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức.

Các phòng tại cơ sở có ký hiệu P, Q, N.

Cơ sở quận 12 tại hẻm 70, đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.

Các phòng học tại cơ sở chính có ký hiệu H, I, K, L, M.

Sinh viên cần lưu ý ký hiệu phòng để khi đăng ký học phần tránh nhầm lẫn cơ sở học tập và bố trí lịch học tại các cơ sở khác nhau cho phù hợp với điều kiện di chuyển.